Post Detail

Công nghệ thực tế ảo (P1) | Giới thiệu chút chơi

Posted by: Hadmin | On: 5th Oct, 2020 | AR/VR, Blog

Thực tế ảo – tại sao mình cần chú ý đến công nghệ này?

“Quảng cáo là công việc kể chuyện.”

Chắc hẳn các bạn đã nghe câu trên rất nhiều lần rồi, việc chúng ta đang làm hàng ngày, là nghĩ ra những concept, những idea mới để kể các câu chuyện của brand sao cho hay nhất, mới lạ nhất, và thể hiện câu chuyện đó theo nhiều cách khác nhau: thiết kế, vẽ, gấp giấy, hát, viết copy, lập trình, làm phim, làm game…

Suốt một thế kỷ qua, những câu chuyện của ngành quảng cáo làm ra — visual content (như phim, tvc, print ad, gift, posm, web…) hầu hết là những tác phẩm 2D. Chúng ta rút gọn thế giới thật vào giấy, vào màn hình để kể chuyện một cách dễ dàng và tiện lợi. Nhưng rồi các nhà thiết kế, marketers và agency nghĩ rằng, liệu những hình ảnh 2D truyền thống chúng ta đang chiếu cho khách hàng xem, dù có đẹp đến thế nào đi chăng nữa, liệu có còn tạo ra sự hào hứng nữa, có tạo ra tương tác “sâu đậm”, có khiến họ yêu thích brand chúng ta hơn?

Từ đó, marketers và các agency, nhà thiết kế bắt đầu nghĩ đến những ý tưởng mới mẻ “What if…” để đưa ngành công nghiệp quảng cáo lên một tầm cao mới:

  • Sẽ thế nào nếu chúng ta có thể làm khách hàng chìm dắm trong trải nghiệm chúng ta tạo ra? Từ đó ghi nhớ câu chuyện của brand một cách mạnh mẽ?
  • Sẽ thế nào nếu hình ảnh của brand, không còn là 2D mà thể hiện lập thể 3D trong không gian tràn ngập quanh khách hàng?
  • Sẽ thế nào nếu khách hàng có thể tương tác trong không gian vừa thực, vừa ảo một cách thật tự nhiên?

Thế là từ 50 năm trước, thực tế ảo đã xuất hiện để giải quyết rất nhiều vấn đề không chỉ cho ngành quảng cáo, marketing mà còn rất nhiều ngành nghề khác. Trong vòng 3 năm trở lại đây, sự phát triển của công nghệ hình ảnh, của mobile, cơ sở hạ tầng và thiết bị trình diễn hình ảnh đã thật sự lao nhanh với tốc độ vượt bậc, đưa thực tế ảo thành một trong những keyword hot nhất, trend lây lan mạnh mẽ nhất vì tiềm năng ứng dụng vô hạn, vượt xa những ý tưởng thông thường.

Hãy tưởng tượng những viễn cảnh sau, xem phim Avengers với góc nhìn của Iron Man và trận chiến diễn ra chân thực xung quanh mình; ngồi ở nhà nhưng có thể đi dạo trên bãi biển thiên đường Bali, hoặc gần gũi hơn là làm design POSM xong trực tiếp xem trong môi trường siêu thị 3D, mà không cần đụng tới máy Mac. Tất cả, mình chỉ cần ngồi một chỗ, đeo kính thực tế ảo và nhấn nút. Tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng, phải không?

Theo nhiều nghiên cứu dự đoán, chỉ trong tương lai 5 năm nữa, viễn tưởng đó, một cuộc cách mạng như vậy sẽ xảy ra, khi thực tế ảo và thiết kế trong không gian 3D-ảo sẽ dần thay thế thiết kế 2D truyền thống, thay đổi thói quen của nhiều đối tượng trong nhiều lĩnh vực, và sẽ tạo ra nhiều cú sốc, sự tranh cãi ghê gớm như cái cách sách digital đang dần thay thế sách giấy vậy. Lúc đó, chính khách hàng sẽ yêu cầu những cách kể chuyện trong thực tế ảo, thiết kế giao diện trong môi trường ảo, thiết kế không gian chứ chúng không còn là các execution option nằm trong proposal nữa.

Trong tương lai gần, con người sẽ tương tác với thế giới ảo và thật một cách mượt mà, không giới hạn, không còn ranh giới rõ ràng nữa

Một cuộc cách mạng như vậy sẽ xảy ra rất sớm. Vậy, tại sao chúng ta không trở thành những người đi đầu trong cuộc cách mạng này? Việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và nhất là chuẩn bị tư tưởng cho ngành thiết kế, truyền thông trong tương lai chính là một việc đáng để đầu tư thời gian ngay từ bây giờ.

Các thể loại thực tế ảo

Cùng tìm hiểu a bờ cờ xem, thực tế ảo là cái gì nhé!

Hiện nay, video 360 độ, AR và VR là hai lĩnh vực phổ biến nhất trong thực tế ảo. Ngoài ra, công nghệ đã phát triển và tiến hóa thêm các loại như MR, XR…

Video 360 độ

Đây là dạng đầu tiên và sơ khai nhất của thực tế ảo, ví dụ cơ bản nhất là các loại video quay 360 độ có thể xem trên Youtube bằng thiết bị Google Cardboard. Người xem có thể quan sát 360 độ trong không gian của video đó, nhưng sẽ không thể tương tác được (vì đó chỉ là video quay sẵn, theo kịch bản dựng sẵn). Vậy nên có khi, một số người không gọi video 360 độ là thuần thực tế ảo hay VR.

AR – Augmented Reality

Tiếng Việt là “thực tế ảo tăng cường”, là khi bạn dùng smartphone hoặc một thiết bị có camera để ghi lại hình ảnh trước mắt bạn, thiết bị sẽ xử lý để hiển thị hình ảnh 3D để đặt vào ngay trong khung cảnh đó. Pokemon Go là một ví dụ quả phổ biến cho việc AR ngày càng phát triển mạnh và ứng dụng rộng rãi.

VR – Virtual Reality

Tiếng Việt là “thực tế ảo”, là công nghệ đưa người dùng đến một thế giới hoàn toàn khác dù vẫn đang đứng ở thực tại, thông qua kính thực tế ảo. Với thực tế ảo, việc lặn xuống đại dương, tham quan vũ trụ, hay trải nghiệm khung cảnh xưa… là điều cực kỳ dễ dàng.

Khi đã mang kính, người trải nghiệm sẽ không còn nhận thức được những thứ xung quanh, thay vào đó là những hình ảnh 360 độ, âm thanh và những dạng tương tác khác do kính thực tế ảo mang lại.

MR – Mixed reality

Hay còn gọi là thực tại lai (hybrid reality) là sự kết hợp giữa vật thể ảo và không gian thật nhằm tạo ra môi trường xóa mờ ranh giới thực-ảo. MR mới được phát triển bởi Microsoft qua kính Hololens, những gì mình thấy trong Iron Man hay các phim viễn tưởng khi chế tạo trong phòng lab chính là MR.

XR – Extended Reality

Là thuật ngữ chỉ một công nghệ áp dụng đồng thời tất cả những công nghệ trên. XR = AR + VR + MR, khi đó, thực tại và thế giới ảo không còn ranh giới rõ ràng nữa, đây là “cảnh giới” mà công nghệ đang dần tiến tới.

Sự khác nhau?

VR mang bạn vào thế giới ảo, MR và AR thì đem thế giới ảo vào thế giới của bạn.

Sự khác biệt và yếu tố immersion tăng dần từ AR đến VR

Video 360 độ thường chỉ chiếu những nội dung quay sẵn theo 360 độ và ít tương tác được. Virtual Reality đem người xem vào không gian ảo hoàn toàn, thoải mái di chuyển và tương tác với không gian, vật thể.

Bên trái: video 360 độ | Bên phải: VR

Các ngành và trường hợp tiềm năng để ứng dụng thực tế ảo

Vậy thì công nghệ này ứng dụng được gì? Điểm qua vài ứng dụng nha.

Y tế, huấn luyện: Các sinh viên được tiến hành các phẫu thuật nội soi phức tạp trong môi trường ảo để huấn luyện và trau dồi kỹ năng trước khi phẫu thuật thực tế

Giáo dục: Các lớp học ảo đến vườn thú Châu Phi, khám phá đại dương, vũ trụ, xem các sự kiện lịch sự, nghiên cứu cấu tạo cơ thể người, động vật… được xây dựng nhằm cung cấp kiến thức trực quan, sinh động, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Giải trí: Người chơi có thể tiếp xúc, tương tác, hành động như các nhân vật trong game, trong phim khiến trải nghiệm trở nên ngày càng thật hơn.

Shopping: Ướm thử quần áo, nội thất trước khi mua

Du lịch: Trải nghiệm phòng khách sạn, bãi biển, thắng cảnh ở bất cứ đâu trên giới thế giới, chỉ bằng việc ngồi nhà và bấm nút

Thiết kế công nghiệp: Thiết kế xe hơi, chọn màu, thiết kế sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất

Bất động sản, nội thất: Tham quan, đi dạo trong hàng chục căn hộ mẫu chỉ bằng cách ngồi một chỗ.

Và dĩ nhiên…

Truyền thông quảng cáo

. Cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm 3D, lập thể, popup từ hình ảnh 2D hoặc chơi game, trải nghiệm câu chuyện của brand, của TVC trong môi trường ảo.
. Mua sắm trong không gian ảo của đường phố Milan và thử cầm trên tay chiếc túi Gucci mới
. Xem liveshow trong không gian ảo như là họ đang có mặt ở chính hàng ghế khán giả, và ngồi kế bên là những nhân vật nổi tiếng, Tom Cruise hay Song Joong Ki…


Vậy, túm lại:

  1. Thực tế ảo đang ngày càng phát triển, và nó giúp cho việc kể chuyện của ngành quảng cáo, truyền thông mở rộng hơn, đưa những ý tưởng xa vời trở nên thực tế, biến hình ảnh từ 2D thành các dạng ấn tượng hơn, xóa mờ ranh giới thực-ảo, khiến người xem đắm chìm và tràn ngập trong không gian hình ảnh.
AR cho 2 người chơi cùng lúc, nhìn thấy nội dung trong cùng không gian với nhau

2. Trong tương lai gần, thực tế ảo và thiết kế phục vụ cho môi trường này sẽ là những công việc chính của ngành thiết kế, truyền thông, sáng tạo. Apple là người đi đầu và đang đầu tư rất mạnh cho lĩnh vực này

3. Ứng dụng và tiềm năng của thực tế ảo là không giới hạn, quan trọng là mình có nghĩ ra idea ứng dụng nó như thế nào thôi!


Để kết thúc phần một, mình cùng xem một case study vận dụng concept thực tế ảo, để kể câu chuyện về thực tế “thật” của thiên nhiên nhé.
A Virtual Reality about the “Nature Reality”

Virtual Reality about the “Nature Reality”

Phần một xin phép tạm dừng ở đây, hẹn tuần sau phần hai nha, mình sẽ nói nhiều hơn về:

. Sự phát triển của công nghệ thực tế ảo
. Những thuật ngữ cần biết trong công nghệ này
. Những thứ cần học để làm công nghệ này
. Và dĩ nhiên, thêm nhiều clip và case study thú vị nữa!

Bái bai ^^

P/S: Bài đầu tiên có thể sẽ chưa thể hoàn hảo lắm, như là quá nhiều chữ, cấu trúc chưa tốt, quá ít/nhiều hình ảnh, câu cú chưa dễ hiểu lắm… Mọi người cứ thoải mái góp ý nhé, rất welcome tất cả các feedback để những bài sau sẽ thân thiện, dễ đọc hơn.

Mọi người muốn xem nhiều hơn về chủ đề gì? Viết như thế nào thì dễ theo dõi hơn? Cho mình biết nha!