10 loại nội dung thường gặp khi phân tích content strategy của đối thủ

10 loại nội dung thường gặp khi phân tích content strategy của đối thủ

Posted by: Như Nguyễn | On: 9th Jan, 2022 | Blog, Strategy



Mạng xã hội hiện là một trong những kênh bán hàng và tương tác chủ lực của các thương hiệu. Do đó, việc tìm hiểu chiến lược xuất bản nội dung của đối thủ trên các nền tảng chủ lực của họ là một bước không thể thiếu.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ 10 loại hình nội dung chủ đạo trên trang Facebook được thương hiệu thường xuyên sử dụng. Lý do cho việc lựa chọn Facebook là mục tiêu nghiên cứu vì tầm quan trọng của nền tảng này đối với một doanh nghiệp. Facebook được xem là một trong những trang mạng xã hội phổ biến nhất, hầu như mọi doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch xuất bản nội dung trên nền tảng này.

Bên cạnh đó, Facebook cũng sở hữu đa dạng các loại hình định dạng về nội dung: bài viết, hình ảnh, video, livestream. Do đó, tôi lựa chọn nền tảng này để làm ví dụ cho việc phân tích chiến lược nội dung đối thủ. Trường hợp các marketer nhận thấy TikTok hoặc Instagram là một trang content hub chiến lược trong thị trường của mình, các bạn có thể áp dụng cách phân tích tương tự.



1. Nội dung mang tính nhắc lại về thương hiệu, khơi gợi sự tò mò

Caption và hình ảnh cho dạng nội dung này thường rất đơn giản, ngắn gọn. Các dạng bài gợi nhắc thường không đòi hỏi quá nhiều kĩ thuật thiết kế phức tạp hoặc caption văn vẻ. Một vài ví dụ thường gặp như: “Cuối tuần rồi, các homies chuẩn bị hẹn hò ở Cheese chưa?”, “Bạn đừng quên bữa sáng với milo nhé!”…



2. Nội dung mang tính thông báo về sự kiện, thông tin không có tính chất xây dựng thương hiệu hay bán hàng

Dạng nội dung này cũng không có yêu cầu phức tập về mặt thiết kế và nội dung. Ví dụ: “Thông báo về việc dừng tiếp nhận ly/cốc cá nhân”, “Bạn có biết Citi Gym khai trương phòng tập ở quận Gò Vấp”…



3. Nội dung liên quan đến sản phẩm, đề cập đến lợi ích, tính năng, vai trò, tầm quan trọng của sản phẩm

Đây chính là loại nội dung phổ biến nhất vì liên quan đến mục tiêu quảng bá sản phẩm. Định dạng nội dung cho loại hình này thường đa dạng từ hình ảnh sản phẩm, bài viết chuyên sâu về các USPs hoặc là video.

Ví dụ: Giới thiệu thành phần dinh dưỡng của sữa bột Nutifood, hướng dẫn cách phối đồ theo style người nổi tiếng với bộ sưu tập mới của Dottie, công thức làm bánh với bội mì Meizan, tính năng của mẫu TV Samsung mới… Đây đều là những nội dung nói về sản phẩm nhằm mục đích quảng bá để thu hút khách hàng.

Nguồn: Dottie



4. Nội dung mang tính khai mở nhu cầu, tạo nhu cầu, đề cập nhiều đến nỗi sợ, nỗi đau của khách hàng

Loại nội dung này thường phổ biến ở thị trường mà tính năng sản phẩm phức tạp, đi kèm với giá thành cao. Do đó, thương hiệu cần phải giải thích cặn kẽ về lý do vì sao khách hàng nên quan tâm đến sản phẩm bằng cách đề cập nhiều đến các vấn đề, nỗi sợ. Định dạng nội dung thường là các bài viết dài có tính chuyên môn, các video, hình ảnh trực quan hoá nhằm giải thích để khách hàng hiểu được là họ có nhu cầu.

Ví dụ: các bài viết nói về các triệu chứng bệnh sẽ gợi mở, giúp khách hàng nhận ra những vấn đề mà bản thân không chú ý trong thời gian qua. Từ đó, tạo nhu cầu quan tâm và cân nhắc sử dụng sản phẩm; các bài viết kèm hình ảnh minh hoạ nguy cơ chấn thương trong quá trình tập luyện.



5. Nội dung làm nổi bật các lý do để tin vào thương hiệu, giúp khách hàng có thêm niềm tin để ra quyết định mua

Với loại nội dung này, định dạng cũng sẽ rất đa dạng về cả bài viết, hình ảnh và video. Ví dụ: Các bài viết về hành trình của doanh nghiệp 20 năm trong lĩnh vực, các hình ảnh chứng nhận quốc tế hay ảnh chụp cùng các chuyên gia đầu ngành, video quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn nhà máy, các bài phỏng vấn khách hàng thật với những phản hồi tích cực về chất lượng.



6. Nội dung khuyến mại hay liên quan đến rao bán sản phẩm với mục đích bán hàng

Định dạng chủ yếu là hình ảnh, video ngắn và livestream, làm nổi bật thể lệ khuyến mại như Black Friday, cuối tháng giảm 50%, flash sales mua 2 tính tiền 1. Đây cũng là một trong những nội dung rất phổ biến của doanh nghiệp.



7. Nội dung liên quan đến thương hiệu, nói về giá trị cốt lõi, cá tính, quan điểm, phong cách của thương hiệu với mục đích xây dựng hình ảnh

Định dạng nội dung cũng đa dạng về cả bài viết, hình ảnh và video. Đây là 2 định dạng dễ khơi gợi cảm xúc của khách hàng dành cho thương hiệu.

Ví dụ: MV “Đi để trở về” của Biti’s Hunter, các hình ảnh thiết kế nét đẹp chân thật của Dove, video hướng dẫn về 1 tương lai tốt đẹp nhờ năng lượng sạch từ hơi nước của xe Huyndai, hình ảnh footage từ sự kiện âm nhạc music festival của bảo hiểm FWD với thông điệp thổi bừng sức sống, cháy hết mình với đam mê tuổi trẻ.



8. Nội dung về các hoạt động trách nhiệm xã hội CSR

Nội dung này cũng mang mục đích xây dựng hình ảnh thương hiệu ở phẩm chất mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội thông qua các hành động cho đi. Định dạng cho loại nội dung này cũng đa dạng, thường là các hình ảnh, video quay lại những khoảnh khắc thật về các hoạt động xã hội của doanh nghiệp.

Ví dụ như các bài viết về cắt giảm sản xuất chai lọ nhựa của doanh nghiệp mỹ phẩm L’Oréal, hoạt động gây quỹ tặng học bổng cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa của Friesland Campina, hoạt động cứu trợ thực phẩm của hàng ngàn doanh nghiệp khác, chung tay cứu giúp người dân trong mùa giãn cách COVID-19 ở địa phương.



9. Nội dung mang tính giải trí với mục đích kết nối với khách hàng một cách nhẹ nhàng

Đây sẽ là loại nội dung thuần tương tác với khách hàng và tăng sự gắn bó với thương hiệu. Ví dụ: game hoặc đố vui trúng thưởng theo một chủ đề nhất định, dự báo tỉ số của các trận đấu có đội tuyển bóng đá Việt Nam. Những bài đăng như thế sẽ giúp trang Facebook trở nên nhẹ hàng hơn, không phải lúc nào cũng đặt nặng vấn đề bán hàng.



10. Nội dung có tính hữu ích cao, mang lại giá trị cho cuộc sống của khách hàng, có thể lồng ghép sản phẩm nhẹ nhàng.

Đây cũng là loại hình nội dung có xu hướng đang lên khi dần được các thương hiệu sử dụng khá nhiều. Mục đích của loại nội dung này là mang lại giá trị miễn phí, chia sẻ thông tin cho khách hàng, cộng đồng nhằm gia tăng sự kết nối với người tiêu dùng. Từ đó, trao cho họ thêm lý do để ở lại với thương hiệu, ngoài các yếu tố về sản phẩm hoặc dịch vụ.

Ví dụ: Các bài đăng hướng dẫn chăm sóc da của các hãng mỹ phẩm, các bài tập cơ tại nhà của các hãng tập gym, hướng dẫn làm bánh/món ăn của các thương hiệu tiêu dùng liên quan đến nhà bếp như nước tương, nước mắm, dầu ăn, gia vị.

Trên đây là phần chia sẻ của tôi về 10 loại nội dung thường gặp trong chiến lược xuất bản nội dung của các thương hiệu trên các trang mạng xã hội. Đối với mỗi nền tảng khác nhau sẽ đi cùng với các định dạng nội dung khác nhau, nhưng tựu trung về mặt định hướng nội dung sẽ bao gồm 10 loại hình phổ biến như trên. Tôi hy vọng qua bài viết này, các marketer đã có thêm những thông tin tham khảo hữu ích cho quá trình nghiên cứu chiến lược xuất bản nội dung của đối thủ.


Nguồn: https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/323319-10-loai-noi-dung-thuong-gap-khi-phan-tich-content-strategy-cua-doi-thu

LEAVE A COMMENT