Điểm lại 3 Case Study Viral Marketing thành công tại Việt Nam
Posted by: Như Nguyễn | On: 8th Jan, 2022 | Blog, Digital marketingCùng bàn về Viral Marketing và điểm lại 3 case study tiêu biểu, truyền cảm hứng cho hàng loạt các chiến dịch Marketing khác tại Việt Nam.
Bàn về Viral Marketing
Viral Marketing không còn là hình thức marketing mới trên thế giới hay ở tại Việt Nam. Nó xuất hiện cùng với sự phát triển của MXH. MXH ngày nay càng phát triển bao nhiêu, đa dạng bao nhiêu thì các cách thể hiện Viral Marketing cũng sáng tạo, mới mẻ bấy nhiêu.
Viral Marketing vẫn đang chuyển mình để thích ứng với thời đại
Sự thông thái, uyên bác của người dùng mạng xã hội càng khiến cho hoạt động Viral Marketing thêm thách thức bởi nếu chiến dịch đó không thực sự ấn tượng, khác biệt và mang ý nghĩa hoặc giá trị cho họ thì sẽ rất khó để họ dành thời gian tham gia.
Một ngày người dùng MXH cũng chỉ có 24 giờ và hàng chục loại kênh truyền thông, thú vui khác nhau đều muốn chiếm lấy một khoảng thời gian trong 24 giờ đó. Đó là một cuộc cạnh tranh vô cùng gay gắt.
Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh này, Viral Marketing lại càng thực sự thể hiện được những ưu điểm vượt trội của mình so với những hình thức marketing truyền thống. Minh chứng cho điều này là sự phát triển mạnh mẽ của Tiktok và các hoạt động Viral Marketing trên Tiktok.
Chiến dịch Viral Marketing như thế nào là thành công?
Một chiến dịch Viral Marketing được coi là thành công trước hết nó phải đạt được tiêu chí đầu tiên đó là được biết đến rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là tất cả, cần đảm bảo trong quá trình thông điệp được chia sẻ, nội dung phải được truyền tải một cách đầy đủ, chính xác. Đó phải là chủ đề mà mọi người quan tâm, bàn luận và cuối dùng sẽ dẫn tới hành động là chia sẻ nội dung cho những người xung quanh hay có những hành động cụ thể sau khi xem chiến dịch.
Chắc hẳn các Marketer không còn lạ lẫm với mô hình AIDA – Mô hình phễu thể hiện tiến trình, trạng thái của khách hàng qua các giai đoạn: Attention (Sự chú ý), Interest (Sự thích thú), Desire (Khao khát), Action (Hành động). Như vậy, để một nội dung truyền thông khiến người xem phải “Hành động” phải là một nội dung xuất sắc tới như thế nào mới có thể lôi kéo người đọc đi qua từng ấy giai đoạn. Hãy cùng theo dõi 3 chiến dịch Viral Marketing đã có thể làm được điều đó.
Một số chiến dịch Viral Marketing nổi bật tại Việt Nam
Chiến dịch “Tôi đồng hành” – Vẽ tranh hoa hướng dương
Hơn 300.000 bức vẽ tham gia chiến dịch tương ứng 5 tỷ tiền quyên góp
- Giới thiệu về chiến dịch: Đây là hoạt động quan hệ công chúng (PR) kết hợp hoàn hảo với Viral Marketing của công ty dược Eco. Hưởng ứng Ngày hội Hoa hướng dương lần thứ 11 – Vì bệnh nhi ung thư năm 2018 do báo Tuổi Trẻ cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM và Hà Nội tổ chức. Ngày hội Hoa hướng dương bao gồm rất nhiều các hoạt động thiện nguyện khác như: Bán tranh vẽ của bệnh nhi ung thư, hội chợ gây quỹ, chương trình học bổng… Hoạt động vẽ tranh hoa hướng dương là một trong số đó.
- Mục đích của chiến dịch: Chương trình thiện nguyện được nhiều người biết đến hơn. Đây cũng là dịp mà mọi người có thể lan toả, sẻ chia tình yêu thương của mình tới những bệnh nhi kém may mắn.
- Nội dung chiến dịch: Thông qua mạng xã hội Facebook, vẽ tranh hoặc làm hoa hướng dương, viết thông điệp yêu thương dành cho bệnh nhi ung thư và ngày hội vào ảnh. Đăng ảnh lên trang Facebook cá nhân của mình. Gõ hashtag #ngayhoihoahuongduong2018, #uocnguyenhong2018; tag mời thêm ba người bạn Facebook của mình cùng ủng hộ. Mỗi bức ảnh hợp lệ thì công ty Eco sẽ tặng 30.000 đồng cho bệnh nhi ung thư. Những bức ảnh chưa hợp lệ tương ứng với nữa giá trị (15.000 đồng)
- Kết quả chiến dịch: 314.823 bài viết chia sẻ hoa hướng dương (bao gồm 6.833 bài viết hợp lệ và 307.990 bài chưa hợp lệ) trên mạng xã hội Facebook được “quy đổi” thành gần 5 tỷ đồng để trao tặng đến bệnh nhi ung thư
Chiến dịch 100.000 chữ A giúp trẻ tự kỉ
Chưa đầy 1 tháng, chiến dịch đã thành công rực rỡ
- Giới thiệu về chiến dịch: Hưởng ứng lời kêu gọi ngày thế giới nhận thức về tự kỷ do Liên Hiệp Quốc phát động, tháng 4 năm 2020, Đại diện Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) kết hợp với tổ chức phi lợi nhuận Grand Challenges Canada đã tổ chức chiến dịch: “100.000 chữ A giúp trẻ tự kỉ”
- Mục đích của chiến dịch: lan toả nhận thức về tự kỷ trong cộng đồng. Tự kỷ cần được phát hiện sớm, cần được can thiệp sớm và can thiệp đúng cách. Truyền thông cho Website cung cấp thông tin về tự kỷ.
- Nội dung chiến dịch: Người dùng Facebook cần đăng những tấm hình đẹp, lạc quan (ưu tiên hoạt động thể thao), gắn 3 hashtag bắt đầu bằng chữ A là #autism, #awareness, #a365. Mỗi lần đăng như vậy được tính 3 chữ A. Mỗi người có thể đăng nhiều lần, và đủ 100 nghìn chữ A nhà tài trợ sẽ tặng 200 triệu tổ chức các khoá tập huấn cho phụ huynh có con tự kỷ.
- Kết quả chiến dịch: Từ 10/3 đến 14/4, chương trình đã thành công rực rỡ, đã được cộng đồng mạng hưởng ứng mạnh mẽ, thu được đủ 100.000 chữ A.
Chiến dịch “Vũ điệu rửa tay” trên nền nhạc Ghen Cô Vy
Chiến dịch đạt hơn 11 tỉ lượt xem trên Tiktok
- Giới thiệu về chiến dịch: Nền nhạc Ghen Cô Vy được khởi động từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Việt Nam vào năm 2020. Bài nhạc có sự tham gia của nhạc sĩ Khắc Hưng, ca sĩ Min và Erik. Trên nền nhạc đó, biên đạo Quang Đăng đã tạo nên Vũ điệu rửa tay.
- Mục đích của chiến dịch: Nâng cao tinh thần phòng chống dịch Covid của mọi người, tạo không khí lạc quan vui nhộn trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn.
- Nội dung chiến dịch: Khán giả xem video nhảy vũ điệu rửa tay, sau đó quay video nhảy theo những nghệ sĩ để thể cùng nhau lan toả thông điệp về Covid – 19
- Kết quả chiến dịch: chiến dịch thu hút hơn 11 tỉ lượt xem trên Tiktok trong thời gian ngắn. Chiến dịch này không chỉ phủ khắp trong nước mà còn vươn ra thế giới, cả nghệ sĩ Việt Nam, nghệ sĩ nước ngoài cũng góp mặt. Từ Hội Chữ thập đỏ, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc… cho đến phòng thu đài BFM TV (Pháp) đều rộn rã lời ca khúc phiên bản tiếng Anh. Có khoảng 300.000 video của khán giả tự quay nhảy theo các nghệ sĩ.
Kết luận
Trên đây là 3 chiến dịch Viral Marketing nổi tiếng tại Việt Nam, ba chiến dịch này ấn tượng ở chỗ khán giả không chỉ cảm mến, dừng lại ở xem, like, share hay với những tương tác thông thường mà họ còn thực hiện theo những nội dung được tuyên truyền trong chiến dịch. Điều này là vô cùng thách thức đối với các nhà truyền thông. Chúng cũng là những chiến dịch sáng tạo khởi xướng, dẫn đầu cho hàng loạt các chiến dịch Viral Marketing khác sau này.
Hàng năm có vô vàn những chiến dịch Viral Marketing đến từ các doanh nghiệp, tổ chức, nhưng để thực sự thành công và nổi bật thì không nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh Tiktok đang phát triển vô cùng mạnh mẽ (Ra mắt năm 2017 và tới tháng 9/2021 sở hữu hơn 1 tỷ người dùng) thật không khó thể thấy vô vàn chiến dịch Viral Marketing trên Tiktok, có thể là truyền thông cho một sản phẩm âm nhạc hay một sản phẩm dịch vụ nào đó. Đây sẽ là thách thức cho các nhà truyền thông cần phải sáng tạo hơn, độc đáo, ấn tượng hơn để có thể ghi dấu ấn của doanh nghiệp tại một góc nhỏ trong tâm trí của khách hàng.
Nguồn: https://advertisingvietnam.com/